TS.Lê Bá Khánh Trình: Huy chương Toán quốc tế chỉ là một cuộc chơi

TS.Lê Bá Khánh Trình: Huy chương Toán quốc tế chỉ là một cuộc chơi - 2Sau khi Bộ GD&ĐT và Hội Toán học VN kỷ niệm 40 năm tham gia IMO, nhiều thế hệ vàng của Toán học Việt Nam đã tụ hội về đây. Infonet đã có cuộc phỏng vấn thầy Lê Bá Khánh Trình, HCV Olympic Toán quốc tế năm 1979.

Sau 10 năm học tập và nghiên cứu ở Liên Xô, tại sao ông lại muốn về nước làm việc?



TS. Lê Bá Khánh Trình đạt Huy Chương vàng toán quốc tế năm 1979 khi ông 17 tuổi, lúc đó ông đang là học sinh trường Trung học chuyên toán Quốc học Huế.
Hiện nay, ông đang là giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TP.HCM và trường Phổ Thông Năng khiếu.
TS Lê Bá Khánh Trình: Sau khi tôi đạt Huy chương vàng toán quốc tế năm 1979 tôi được Nhà nước cử đi học tại trường Đại học Tổng hợp Matxcova (Liên Xô cũ). Sau 10 năm học tập và nghiên cứu tôi trở về nước công tác giảng dạy cho đến nay.
Việc tôi trở về nước là do nguyện vọng cá nhân và tôi quan niệm học xong về nước làm việc, dù rằng Việt Nam về trình độ khoa học và kinh tế chưa bằng các nước Phương Tây.
Theo ông Việt Nam chưa có nhiều điều kiện để các tài năng khoa học, cụ thể là tài năng toán học thật sự phát triển hết khả năng?
Năng khiếu toán học là cơ sở cho tư duy logic rất tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường sinh sống con người ta nhận ra mình thực sự cần gì, đam mê gì thì sẽ chuyển hướng phát triển theo ý đồ đó.
Do vậy, không nhất thiết giỏi toán phải là một nhà toán học xuất sắc. Vì để trở thành nhà khoa học thực thụ đòi hỏi cần rất nhiều tố chất cũng như điều kiện nữa.

TS. Lê Bá Khánh Trình


Những tài năng toán học kinh doanh trên thương trường cũng rất thành công. Tư duy toán học là một tài năng còn kinh doanh lại là một tố chất. Cuộc sống đa dạng, khó nói trước và không thể áp cuộc sống theo công thức toán học được. Không thể có một nguyên tắc “khóa” người ta lại được.
Việc tham gia kỳ thi Toán quốc tế chỉ là một cuộc chơi nhằm khuyến khích các tài năng trẻ thêm đam mê toán học. Còn sau giải thưởng chọn con đường nào là còn do hoàn cảnh, quan niệm của các em.
Chẳng hạn, ngay như nước Nga khi một tài năng đạt giải cấp quốc tế ở một lĩnh vực nào đó trở về , họ được Tổng Thống Boris Yeltsin tiếp đón, xã hội tôn trọng và con đường đi sau này của các em đó cũng không bắt buộc phải trở thành nhà toán học.
Cũng phải thấy rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện cho nghiên cứu khoa học bằng các nước phát triển khác, nhưng với ngân sách hạn chế thì Nhà nước không thể lo cho tất cả.
Đối với tôi không có gì phải phàn nàn mà thực tế tôi muốn nhiều hơn nhưng sức mình có hạn. Tôi không chỉ nhìn vấn đề phát triển của riêng mình mà còn nhìn ở nhiều góc cạnh khác. Tôi thấy khả năng mình phù hợp với lĩnh vực nào tôi làm ở đó.
Sau khi tôi về nước, trường Phổ Thông Năng Khiếu mời tôi giảng dạy, tôi cũng cố gắng đem lại niềm đam mê toán học cho các em.
Việc chảy máu chất xám ra nước ngoài khiến dư luận xã hội băn khoăn về cơ chế quản lý Nhà nước. Ý kiến của ông thế nào?
Không chỉ Việt Nam có tình trạng chảy máu chất xám, ngay cả các nước phát triển cũng có tình trạng này như Nhật Bản, Hàn Quốc... Những người có điều kiện học tập tốt thì họ có cơ hội lựa chọn nhiều môi trường tốt để làm việc, và dù làm việc ở đâu cũng là cống hiến.
Đối với những tài năng khoa học khi họ chọn con đường ở lại các nước phát triển để học tập và làm việc hay về nước là tùy theo mục đích và điều kiện của họ.
Do vậy, chúng ta phải nhìn vấn đề chảy máu chất xám ở góc nhìn tổng thể và rộng ra trên toàn cầu. Còn nếu nó chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam thì cần xem xét lại.
Nếu Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn để thu hút nhân tài thì chắc tình trạng chảy máu chất xám sẽ không còn là vấn nạn, thưa ông?
Đối với Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách tổng quát để người ta bám vào đó, tùy theo khả năng để phát huy sức lực và trí tuệ. Còn người tài năng dựa vào cơ chế để phát huy khả năng của mình. Cũng có khi trong cơ chế lại bộc lộ ra những tài năng mà đôi khi họ lại không nghĩ là mình tài.
Để một đất nước phát triển thì đòi hỏi phải chuyển động rất mạnh mẽ về nhiều mặt và trên nhiều lĩnh vực. Để việc thu hút nhân tài về cống hiến cho đất nước ở đây không chỉ là việc trả lương cho họ cao, cấp nhà, xe cho họ… mà vấn đề quan trọng là việc sử dụng nhân tài. Nếu sử dụng không đúng cũng là lãng phí.
Vậy vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản ở những nước nghèo là không thể, thưa ông?
Điều này cũng khó nói. Tôi có cảm giác các nước phát triển cũng đang gặp khó khăn với khoa học cơ bản và người ta đang gióng lên hồi chuông về vấn đề này. Rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nó không chỉ là tiền của đầu tư vào đây, mà con người đam mê nay cũng khác.
Rồi ảnh hưởng của kinh tế, xã hội hoặc là sức hút của nhiều ngành khoa học mới... khiến cho việc chú trọng đến khoa học cơ bản cũng không được quan tâm như trước.
Việt Nam phải đặt ra chiến lược trọng tâm phát triển của mình là gì để đầu tư vào. Tuy nhiên, cũng cần phải liên kết được khoa học với các ngành khác để tạo ra sự hỗ trợ phát triển lẫn nhau, và tùy ở từng nước thì nó phát triển được ở chừng mực nào đó, vì không có ngành nào là vô ích cả.
Xin cảm ơn ông!
Theo Linh Lan (Infonet)
Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét