Ghi nhận bước đầu về mô hình trường học mới ở huyện Chư Prông

(GLO)- Đến nay, trên địa bàn huyện Chư Prông có 3 trường tiểu học (TH) thực hiện thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Qua 3 năm triển khai, mô hình VNEN với sự kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, cách dạy hiện đại, “lấy người học làm trung tâm” đã thu được những kết quả đáng khích lệ và được đánh giá cao.




Mô hình trường học mới những hiệu quả đáng ghi nhận

Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000, dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng khó khăn, trong đó theo nguyên tắc “lấy học sinh làm trung tâm”. Mô hình này có ưu điểm là đổi mới các hoạt động sư phạm, hệ thống tài liệu dạy và học, phương pháp dạy học, cách đánh giá học sinh, tổ chức quản lý lớp học, mối quan hệ tương tác giữa nhà trường và gia đình… Tại Việt Nam, đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai thí điểm mô hình VNEN.

Huyện Chư Prông bắt đầu triển khai thí điểm mô hình VNEN từ năm học 2012-2013 và đến năm học 2014-2015 đã có 3 trường TH gồm: Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, Trường TH Hùng Vương và Trường TH Lê Hồng Phong thực hiện thí điểm mô hình này. Với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, việc học theo mô hình VNEN đã tạo điều kiện cho việc dạy học được cá nhân hóa tối đa và dạy học theo đối tượng được thực hiện dễ dàng hơn so với trước đây. Không khí lớp học tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu cải thiện tốt hơn.

Trong cùng một thời gian của một tiết học (30-35 phút), nếu như trước, mỗi câu hỏi giáo viên nêu ra chỉ có vài học sinh được trả lời thì giờ số học sinh phải trả lời câu hỏi đó là tổng số học sinh của lớp. Đồng thời với đối tượng học sinh khá giỏi, các em có thể hoàn thành sớm bài tập để chuyển sang nội dung học tập nâng cao mở rộng, còn số học sinh trung bình yếu thì học tập theo khả năng của mình và có cơ hội được giáo viên giúp đỡ nhiều hơn.

Bà Phạm Thị Thu Hằng-Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, mô hình VNEN đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao kết quả học tập của học sinh; tạo sự tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là thay đổi cách dạy, cách học truyền thống cho cả giáo viên và học sinh phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại. Mô hình này cũng được phụ huynh học sinh đánh giá cao và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Kết thúc năm học 2013-2014, đối với mô hình VNEN, có 98,04% học sinh hoàn thành chương trình học.
Một góc học tập theo mô hình VNEN. Ảnh: N.N
Một góc học tập theo mô hình VNEN. Ảnh: N.N
Nỗ lực vượt khó

Việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình VNEN trên địa bàn huyện Chư Prông bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Nhớ lại ngày đầu bắt tay vào triển khai thí điểm mô hình VNEN, cô giáo Hồ Thị Thúy Ngân-Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Những ngày đầu triển khai mô hình vào thực tế dạy học, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ dạy học đồng loạt sang dạy học đòi hỏi phân hóa, cá thể hóa cao, giáo viên gặp lúng túng trong khi điều hành hoạt động giữa các nhóm, dễ gặp sai lầm “bỏ quên học sinh”. Bên cạnh đó, sĩ số nhiều lớp quá đông không phù hợp với việc ngồi học theo nhóm; không có không gian cho các em tổ chức hoạt động vui chơi; khi học theo tài liệu hướng dẫn học, các em chưa thành thạo trong việc tự học; thói quen tự giác và học tập chưa đi vào nền nếp… đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.

Tuy vậy, thầy và trò Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai đã đề ra các giải pháp khắc phục. Trong đó tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng tham gia xây dựng lớp học VNEN; nâng cao năng lực cho giáo viên về kỹ thuật dạy học theo mô hình VNEN; chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức tổ chức dạy học để nâng cao chất lượng mũi nhọn và đại trà và chủ động nghiên cứu điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Từ việc vận dụng khéo léo các giải pháp trên, sau 3 năm triển khai thí điểm mô hình VNEN, đến năm học 2014-2015, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai có 19 lớp/27 lớp (6 lớp 2, 6 lớp 3, 4 lớp 4 và 3 lớp 5) tham gia mô hình này với 640 học sinh; trong đó, có 2 lớp dân tộc thiểu số 86 học sinh, chiếm tỷ lệ 13,4%. Kết thúc năm học 2013-2014, số học sinh khá giỏi của các lớp VNEN tăng 10% so với năm học 2012-2013, số học sinh yếu giảm dần. Dù khó khăn còn nhiều nhưng chúng tôi vẫn yêu thích cách dạy học này vì đây là cách dạy học hiện đại, “lấy học sinh làm trung tâm” và đã mang lại hiệu quả học tập cao”- cô Hồ Thị Thúy Ngân- Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ.
Như Nguyện
Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN